Cần phải chế biến phụ tử theo phương pháp mới

Quy 12 kinh. Được dùng nhiều trong các trường hợp tâm dương hư hoặc thận dương hư: Toàn thân lạnh hoặc sợ lạnh, người choáng váng, đau đầu, đau mỏi lưng, gối, xương, khớp.

Phụ tử được chế biến từ cây thuốc ô đầu. Cây ô đầu (Aconitum carmichaelii Debx), họ hoàng liên (Ranunculaceae.). Về mặt thực vật, trên thế giới, ô đầu có khoảng 400 loài, phân bố chủ yếu ở vùng ôn đới Bắc bán cầu. Chỉ riêng Trung Quốc cũng có tới 211 loài. Ở Vân Nam, một tỉnh giáp với tỉnh Lào Cai của nước ta, cũng có tới 66 loài, có loài giống với ô đầu của nước ta. Ở Việt Nam, cây ô đầu được tìm thấy ở một số tỉnh phía Bắc như Lào Cai, Hà Giang, Nghĩa Lộ. Cây ô đầu hiện cho 2 vị thuốc, vị ô đầu, là củ cái của cây ô đầu. Vị thứ 2 là sinh phụ tử, tức là củ nhánh. Chữ sinh ở đây có nghĩa là sống, là tươi, chưa chế biến. Chính vì tên gọi như vậy nhiều nơi còn bị nhầm lẫn giữa tên “cây ô đầu” với vị thuốc “ô đầu”. Vị ô đầu chỉ được phép dùng ngoài để ngâm rượu bóp khi đau cơ, đau khớp và không được dùng để uống vì rất độc. Đã có những trường hợp trúng độc do loại rượu ngâm này.

Cây và vị thuốc phụ tử.

Cây và vị thuốc phụ tử.

Trong rễ ô đầu chứa các thành phần như alcaloid: aconitin, mesaconitin (nhóm diester)... có độc tính cao và có tác dụng giảm đau mạnh; benzoylaconin, bezoylmesaconin có độc tính thấp hơn và có tác dụng giảm đau, tác dụng chống viêm, chống động kinh; aconin, mesaconin lại có tác dụng chống rối loạn nhịp tim. Ngoài ra còn có các thành phần amin, có tác dụng tăng huyết áp như dopamin metoclorid, thành phần polysaccharid có tác dụng hạ đường huyết.

Trong YHCT, khi dùng để uống, phụ tử phải được chế biến hết sức thận trọng với các quy trình chế biến chuẩn. Vì qua khâu chế biến, alcaloid có độc tính cao như aconitin, dưới tác dụng của nhiệt độ, áp suất khi chế, đã có sự biến đổi thành benzoyl aconin và sản phẩm cuối cùng là aconin - một sản phẩm có tác dụng cường tim và độc tính thấp.

Cần nói thêm rằng, những năm về trước, để được các sản phẩm chế từ phụ tử, người ta đã dùng phụ liệu chế là nước ót - một thứ nước được làm đặc từ nước biển trong quá trình chế biến muối ăn để làm dung dịch phụ liệu: ngâm và nấu sinh phụ tử. Nhưng hiện nay, phương pháp này đã không được trọng dụng với các lý do: Vận chuyển nước ót không thuận tiện về khoảng cách và phương tiện. Hơn nữa, vấn đề quan trọng là hàm lượng NaCl, MgCl2 - những thành phần chủ yếu để giảm độc khi chế biến phụ tử có trong nước ót, ở mỗi vùng biển lại khác nhau và không ổn định. Do vậy mà sản phẩm phụ tử chế ra, ở mỗi mẻ, mỗi nơi cũng không ổn định. Và trong thực tế, chế theo phương pháp cũ, trước đây đã có những trường hợp người sử dụng đã bị trúng độc.

Do đó, để có các sản phẩm của phụ tử chế có chất lượng, đảm bảo được các tiêu chí không độc, có tác dụng hiệu quả và an toàn, phụ tử cần tiến hành chế biến theo các phương pháp sau đây:

Phương pháp 1:

Chế biến hắc phụ: Nguyên liệu: sinh phụ tử 1.000g, magnesi clorid 400g, nước sạch 700ml. Hòa tan magnesi clorid, ngâm sinh phụ tử 3 - 5 ngày đêm. Lấy ra, cùng với nước ngâm, đun sôi đến khi củ chín đều (khoảng 30 phút). Đổ ra, để nguội, thái dọc củ thành phiến dày 2-5mm. Sau đó, ngâm phiến trong 2 lít nước sạch, trong khoảng12-14h. Rồi đem rửa lại bằng 3 lần nước sạch, đến khi còn vị cay tê nhẹ. Vớt ra để ráo nước hoặc sấy nhẹ cho khô se. Đem các phiến này tẩm với dịch đường đỏ (30g đường trong 20ml nước). Ủ đến khi thấm hết dịch. Đem tẩm với 15g dầu hạt cải. Trộn đều rồi ủ trong 12-14h. Đem đồ khoảng 20 phút, lấy ra sấy khô, đóng gói, bảo quản.

Sau chế biến, phiến hắc phụ có thể chất khô, cứng. Mặt phiến nhẵn bóng, hơi nâu xám. Ở vành phiến có màu đen của vỏ củ. Vị mặn, nhấm có vị tê nhẹ hoặc không tê. Cho các phản ứng chung với các thuốc thử alcaloid (mayer, dragedorff, bouchardat). Hàm lượng alcaloid toàn phần không được thấp hơn 0,15% tính theo aconitin. Và hàm lượng diester alcaloid tính theo aconitin không được cao hơn 0,20%.

Phương pháp 2:

Chế với muối ăn (NaCl): phụ tử khô 1.000g, muối ăn 350g, nước 700ml. Đem muối ăn hòa tan trong nước. Ngâm phụ tử trong dung dịch này từ 10-12 ngày, cho đến khi nước ngấm tới giữa củ. Lấy ra, rửa sạch, rồi nấu sôi với 1.000ml nước. Vớt ra, thái dọc củ với phiến dày 2-3mm. Sau đó đem phiến ngâm trong 1.500ml nước, trong 12-14h. Rửa lại bằng nước sạch nhiều lần, tới khi còn vị tê nhẹ hoặc hết tê. Để ráo nước, sấy khô ở 600C. Đóng gói, bảo quản.

Sau chế biến, phiến phụ tử có thể chất khô, cứng. Mặt phiến màu trắng hoặc trắng ngà. Ở vành phiến có màu đen của vỏ củ. Vị mặn, nhấm có vị tê nhẹ hoặc không tê. Cho các phản ứng chung với các thuốc thử alcaloid (mayer, dragedorff, bouchardat). Hàm lượng alcaloid toàn phần không được thấp hơn 0,15% tính theo aconitin. Và hàm lượng diester alcaloid tính theo aconitin không được cao hơn 0,20%.

GS.TS. PHẠM XU N SINH